SV BÁCH KHOA QUỐC TẾ CÔNG BỐ NGHIÊN CỨU HIỆU SUẤT ĐƯỜNG ỐNG TẠI VOSE 2021
Ngày cập nhật 03-03-2022
Hai sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí là Nguyễn Hán Thịnh (K2016) và Trần Duy Ngọc Giao (K2017) vừa công bố nghiên cứu trong Hội nghị The Second Vietnam Symposium on Advances in Offshore Engineering Sustainable Energy and Marine Planning (VSOE 2021).
Bài viết liên quan
▶ Nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ khí: sinh viên Bách khoa Quốc tế công bố bài báo ở VSOE 2021
▶ Chế tạo robot đá banh, sinh viên Bách khoa đạt suất dự hội nghị cơ điện tử quốc tế
▶ Cải tiến cellulose bùn thải giấy, nhóm SV Bách khoa đạt giải Ba Asian Entrpreneur Award 2021
▶ Thiết kế hệ thống quét 3D linh hoạt, sinh viên Bách khoa công bố bài báo quốc tế
CỘNG TÁC ĂN Ý VÌ CÙNG ĐAM MÊ KHAI THÁC DẦU KHÍ
Bài báo Tubing Performance with Different Multiphase Flow Correlations (tên tiếng Việt là Xây dựng hiệu suất đường ống bằng các tương quan dòng chảy đa pha khác nhau) là thành quả của nhóm bạn sau hơn một năm làm việc với TS. Tạ Quốc Dũng (giảng viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí) và anh Phạm Văn Hoanh (Well Operations Coordinator(1), Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long – Cuu Long JOC).
Dòng chảy đa pha(2) trong đường ống là vấn đề đặt ra nhiều thách thức với công tác mô phỏng. Trong đó, việc lựa chọn kích thước đường kính ống và áp suất phù hợp để dự đoán tổn thất áp suất ở từng điều kiện vận hành nhất định luôn thu hút sự quan tâm từ giới chuyên gia.
Nghiên cứu của Hán Thịnh và Ngọc Giao đã đề xuất phương pháp tối ưu hóa sản lượng bằng cách phân tích, so sánh phương pháp Hagedorn-Brown và Beggs-Brill(3).
Biểu đồ áp suất phân bố dọc theo chiều dài của đường ống qua hai phương pháp Hagedorn-Brown và Beggs-Brill, so sánh với dữ liệu thực tế
Năm 2019, lúc biết thầy Dũng và anh Hoanh đang thực hiện nghiên cứu về đề tài hiệu suất đường ống bằng VBA(4), Thịnh và Giao chủ động đăng ký tham gia vì có chung niềm đam mê với lĩnh vực khai thác dầu khí. Hai bạn đã phối hợp nhịp nhàng và cùng nhau vượt qua nhiều trở ngại.
Hán Thịnh chia sẻ: “Khi triển khai dự án, nhóm gặp phải hai khó khăn lớn. Thứ nhất, thiếu các thông số đầu vào (cấu hình giếng, đặc tính chất lưu(5)…). Do đó, tụi mình tìm kiếm và sử dụng một số công thức thực nghiệm để tính toán. Thứ hai, hai phương pháp Hagedorn-Brown và Beggs-Brill là công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài. Kết quả đúc kết được từ số liệu ở các giếng nước ngoài từ hai phương pháp này sẽ không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Trước vấn đề đó, mình và Giao đã đọc kỹ file rồi thay đổi vài công thức tính toán tính chất của chất lưu”.
Bù lại, đôi bạn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ hai mentor. Thầy Dũng cung cấp tài liệu về phương pháp mô phỏng áp suất, cũng như hướng dẫn, giải đáp thắc mắc suốt quá trình làm việc Trong khi đó, anh Hoanh gởi nhóm số liệu đối chiếu kết quả tính toán so với dữ liệu thực tế, đồng thời giải thích, góp ý cặn kẽ.
Đề tài này sẽ là cơ sở để lựa chọn mô hình tính toán áp suất giếng dầu phù hợp. Sắp tới, nhóm bạn dự định xây dựng mô hình tính toán cụ thể hơn bằng cách bổ sung những tính toán về chất lưu và nghiên cứu về cấu hình đường ống khai thác, thông qua việc xem xét sự ảnh hưởng của các thiết bị kỹ thuật (van, lỗ bắn mỏ vỉa…) tới sự tổn thất áp suất.
TRAU DỒI BẢN THÂN NHỜ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Nhìn lại chặng đường vừa qua, Ngọc Giao tâm sự: “Tự học, tự tìm kiếm thông tin là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mình có được sau khoảng thời gian thực hiện dự án. Bài giảng trên lớp của thầy cô chỉ dừng lại ở những kiến thức cơ bản. Để xây dựng mô hình tính toán phù hợp, nhóm phải tìm hiểu từng thông số một trong nhiều mô hình khác nhau, từ đó so sánh, đối chiếu cẩn thận.
Hơn nữa, tụi mình học được cách giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và phân chia công việc hiệu quả. Đặc biệt, mình đã rèn luyện kỹ năng trình bày trước đám đông. Nhóm nhiều lần thuyết trình dự án trước thầy Dũng, ban giảm khảo của Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên Bách khoa Quốc tế và nhiều hội nghị chuyên ngành khác. Để khán giả nắm chắc nội dung dự án trong khoảng thời lượng giới hạn, mình và anh Thịnh cần tìm cách cô đọng kiến thức, đồng thời báo cáo một cách dễ hiểu. Chính lòng tự tin và sự tin tưởng lẫn nhau đã giúp tụi mình truyền tải thông điệp thành công”.
Cùng nhau theo đuổi đề tài suốt hơn một năm, đôi bạn (khung hình phía trên: Ngọc Giao, khung hình phía dưới: Hán Thịnh) đã cải thiện bản thân rất nhiều.
“Công việc nghiên cứu khiến mình tập trung và kiên trì hơn. Lúc báo cáo với giảng viên hướng dẫn về tiến độ bài viết, hai đứa đã cải thiện kỹ năng giao tiếp, trình bày và giải thích vấn đề.
Ngoài ra, nhờ dự án này, mình có thể đào sâu và ứng dụng những mảng kiến thức mới. Từ kinh nghiệm của bản thân, mình muốn nhắn nhủ rằng, các đàn em ngành Kỹ thuật Dầu khí hãy mạnh dạn tham gia hoạt động nghiên cứu của khoa và trường, cũng như những buổi hội thảo chuyên ngành do Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí (Society of Petroleum Engineers – SPE) tổ chức”, Hán Thịnh trải lòng.
The Second Vietnam Symposium on Advances in Offshore Engineering Sustainable Energy and Marine Planning (VSOE) do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE Global) phối hợp với Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) tổ chức. Đây là hội nghị chuyên ngành về các hoạt động khai thác nguồn tài nguyên trên biển, nơi chuyên gia, nghiên cứu sinh, sinh viên ngành dầu khí trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật ngoài khơi và đổi mới công nghệ, nhằm đạt được những giải pháp kinh tế bền vững, đáng tin cậy trong quá trình phát triển năng lượng biển. Bài viết Tubing Performance with Different Multiphase Flow Correlations của hai sinh viên Nguyễn Hán Thịnh và Trần Duy Ngọc Giao cũng được đăng trong cuốn sách Proceedings of the 2nd Vietnam Symposium on Advances in Offshore Engineering Sustainable Energy and Marine Planning (một phần của ấn phẩm Lecture Notes in Civil Engineering do nhà xuất bản Springer phát hành). |
—
(1) Well Operations Coordinator: Công tác chính của Well Operations Coordinator là mô phỏng, thử nghiệm và hoàn thiện giếng; can thiệp, xử lý các tác nhân ảnh hưởng tới quá trình khai thác.
(2) Dòng chảy đa pha: Đây là dòng chảy có hai hoặc nhiều pha chảy qua đoạn ống tại một thời điểm.
(3) Phương pháp Hagedorn-Brown và Beggs-Brill: Hai phương pháp này được phát triển bằng các số liệu thực nghiệm của nhiều giếng dầu khác nhau và có thể tính toán tổn thất áp suất của dòng chảy đa pha. Trong đó, Beggs-Brill thường được áp dụng cho giếng và hướng dòng chảy của giếng là nghiêng còn Hagedorn-Brown thường được áp dụng cho giếng và hướng dòng chảy là thẳng đứng hoặc gần thẳng đứng.
(4) VBA: VBA là ngôn ngữ lập ngữ lập trình của Excel nói riêng và các ứng dụng khác của Microsoft Office nói chung, cho phép thực hiện những thao tác người dùng muốn làm trong Excel.
(5) Chất lưu: Chất lưu là chất có thể chảy được. Trong lĩnh vực dầu khí, chất lưu bao gồm: chất khí, lỏng, các vật liệu rắn có kích thước nhỏ.
XUÂN MAI thực hiện – Hình: HÁN THỊNH, NGỌC GIAO