Hội thảo về Thực trạng kim hoàn - đá quý tại Việt Nam
Ngày cập nhật 21-04-2025
Ngày 18/4/2025 – Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề với chủ đề “Thực trạng ngành Kim hoàn - Đá quý tại Việt Nam”. Sự kiện thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kim hoàn, đá quý trên cả nước.
Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, Trưởng Bộ môn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Kim hoàn – Đá quý trong phát triển kinh tế, văn hóa và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vai trò của nhà trường trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Tiếp nối phần khai mạc là các bài trình bày chuyên sâu đến từ đại diện các tổ chức và doanh nghiệp:
TS. Đặng Thương Huyền, Trưởng Bộ môn Tài nguyên Trái đất và Môi trường, Khoa KT. ĐC&DK trình bày bài: “Một số xu hướng đào tạo hiện nay về lĩnh vực Kỹ thuật Địa chất phục vụ cho thị trường lao động”. Bài trình bày tập trung vào việc cập nhật chương trình đào tạo, gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.
TS. Đoàn Thị Anh Vũ, Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Sài Gòn trình bày bài: “Thực trạng nhân lực ngành nghề Kim hoàn – Đá quý tại Việt Nam”, nêu rõ những thách thức về chất lượng đào tạo, sự thiếu hụt nhân sự tay nghề cao và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Trung, đại diện Công ty TNHH Thương mại Đá quý Ago chia sẻ bài: “Thực trạng kinh doanh đá quý tại Việt Nam”. Bài trình bày đi sâu vào thực tiễn kinh doanh, từ nguồn cung ứng, thị trường tiêu thụ đến các rào cản về pháp lý và tiêu chuẩn kiểm định.
Ông Lê Ngọc Năng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Ngọc học Liu giới thiệu bài: “Thực trạng công nghệ chế tác đá quý”. Bài trình bày nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế tác.
Phần cuối chương trình là phiên thảo luận mở, do TS. Trần Anh Tú điều phối, xoay quanh các vấn đề: mục tiêu đào tạo, nhu cầu nhân sự trong tương lai, cũng như cơ hội hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật.