TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

KHOA KỸ THUẬT ĐỊA CHẤT VÀ DẦU KHÍ

Có ngành Địa kỹ thuật xây dựng, doanh nghiệp bớt phải tìm nhân lực nước ngoài

Ngày cập nhật 01-08-2024


Ngành Địa kỹ thuật xây dựng là ngành học tập trung nghiên cứu về cơ học đất và đá, cũng như thiết kế các công trình nền móng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thuỷ lợi và các công trình ngầm. Ngành Địa kỹ thuật xây dựng là một nhánh quan trọng của lĩnh vực kỹ thuật xây dựng. Đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành địa kỹ thuật xây dựng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chính quy, bài bản. (Bài viết được trích dẫn theo báo giáo dục: link bài báo)

Nhu cầu nguồn nhân lực cấp thiết

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phóng, Phó Trưởng bộ môn Địa chất công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, ngành Địa kỹ thuật xây dựng là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và duy trì hạ tầng đô thị hiện đại, bền vững, đặc biệt trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ nhất, Địa kỹ thuật xây dựng sẽ giúp đảm bảo an toàn và ổn định cho công trình: khảo sát, đánh giá và cải tạo nền đất bằng các kỹ thuật và phương pháp phù hợp; thiết kế nền móng hợp lý giúp tránh các vấn đề lún, nứt và các sự cố công trình khác, đặc biệt là trong các dự án xây dựng lớn như tòa nhà cao tầng, cầu đường, và các công trình.

Thứ hai, phát triển hạ tầng đô thị bền vững: sử dụng vật liệu bền vững trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển hạ tầng bền vững; xử lý và bảo vệ môi trường địa chất như xử lý nước ngầm, kiểm soát sạt lở đất, sụt lún khi khai đào ngầm, giúp bảo vệ môi trường địa chất và đảm bảo sự bền vững của hạ tầng đô thị.

Thứ ba, tối ưu hóa quá trình xây dựng với công nghệ 4.0: công nghiệp 4.0 mang đến các công nghệ như IoT, AI, và Big Data, giúp cải thiện quá trình khảo sát, thiết kế và thi công. Các công nghệ này giúp theo dõi và phân tích dữ liệu địa kỹ thuật một cách chính xác và nhanh chóng. Thêm vào đó, công nghệ tiên tiến giúp mô phỏng và dự báo chính xác để đánh giá rủi ro và lên kế hoạch xây dựng một cách hiệu quả và an toàn hơn.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí: áp dụng các phương pháp thiết kế tối ưu giúp giảm thiểu chi phí vật liệu và thời gian thi công; Địa kỹ thuật xây dựng giúp quản lý và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến địa chất và môi trường, từ đó giảm thiểu các chi phí phát sinh do sự cố công trình.

Thứ năm đối phó với biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường: Địa kỹ thuật xây dựng nghiên cứu và phát triển các giải pháp giúp các công trình xây dựng chịu được tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, mưa lớn và lũ lụt; các giải pháp địa kỹ thuật như xử lý đất nhiễm bẩn, bùn thải, tái chế vật liệu xây dựng và kiểm soát xói lở đất góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Thứ sáu, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị: xây dựng các thành phố thông minh, nơi hạ tầng được quản lý và vận hành một cách hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường; với sự gia tăng dân số và yêu cầu về không gian sống, việc phát triển cơ sở hạ tầng ngầm như metro, đường hầm và bãi đỗ xe ngầm trở nên cần thiết, và ngành địa kỹ thuật xây dựng là yếu tố then chốt trong việc này. 

 

Các bài khác:

 

KHOA KỸ THUẬT ĐỊA CHẤT VÀ DẦU KHÍ

  • Nhà B8, 268 - Lý Thường Kiệt - F.14 - Quận 10 - TP. HCM - Việt Nam
  • Email: geopet@hcmut.edu.vn
  • Fanpage: https://www.facebook.com/geopet1978
  • Điện thoại : (84.028)38647256 - Ext: 7777
Go to top