Học về điện khí ở Bách khoa (HCMUT) để vững bước tiến xa trong ngành năng lượng
Ngày cập nhật 19-08-2024
- Nhằm nắm bắt xu hướng phát triển điện khí tương lai của ngành năng lượng toàn cầu, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - HCMUT) đã chủ động đi tắt, đón đầu trong công tác đào tạo qua chủ trương cải tiến toàn diện. (Theo link bài viết gốc tại đây)
ĐIỆN KHÍ - GIẢI PHÁP NĂNG LƯỢNG ĐƯỢC NHÀ NƯỚC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM:
Giữa bối cảnh thế giới chung tay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (phòng chống biến đổi khí hậu, chú trọng kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn), ngành Dầu khí Việt Nam cũng tích cực đóng góp bằng chiến lược phát triển điện khí.
Điện khí là giải pháp vừa hiệu quả vừa bền vững giúp tận dụng nguồn khí đốt thiên nhiên, cải thiện chất lượng không khí và hạn chế phát thải carbon. Hơn nữa, điện khí còn đem về hiệu quả kinh tế cao với nguồn cung ổn định, giá cả cạnh tranh. Vì vậy, giải pháp này trở thành ưu tiên quan trọng trong kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng của nhiều quốc gia.
Hòa vào dòng chảy chuyển dịch năng lượng toàn cầu, nước ta đang đẩy mạnh đầu tư các dự án điện khí ở từng vùng kinh tế trọng điểm, tăng cường sản lượng điện, tìm kiếm - khai thác các nguồn khí mới, cũng như cải tiến công nghệ chế biến - sử dụng khí.
Phát biểu tại diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam”, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính dự báo rằng: Nhiệt điện khí (khí thiên nhiên trong nước và khí hóa lỏng LNG nhập khẩu) sẽ trở thành hướng đi tất yếu trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Tính tới tháng 3/2024, Chính phủ đã phê duyệt 13 dự án điện khí, bao gồm 5 dự án đang triển khai và 8 dự án đã có, hoặc đang lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.
Trong đó, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 là dự án điện khí đầu tiên của nước ta, thu hút tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD sẽ chính thức phát điện vào cuối năm 2024 (Nhà máy điện Nhơn Trạch 3) và giữa năm 2025 (Nhà máy điện Nhơn Trạch 4).
Nhà máy điện Ô Môn 3, 4 (hai dự án thành phần trong Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn) với tổng giá trị gần 60.000 tỷ đồng, sẽ cung cấp nguồn điện bổ sung cho lưới điện quốc gia ở miền Nam giai đoạn 2026-2030.
Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh - dự án đầu tiên tại miền Bắc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu, có tổng giá trị lên tới 2,2 tỷ USD, quy mô công suất 1.500 MW, dự kiến hoạt động vào quý 3 năm 2027 và đạt sản lượng 9 tỷ kWh/năm.
DẤU ẤN ĐẬM NÉT TỪ NỖ LỰC ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO:
Trước tiềm năng phong phú của ngành năng lượng nói chung và lĩnh vực điện khí nói riêng, nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân sự trình độ cao với năng lực nghiên cứu - chuyển giao công nghệ của các công ty trong nước và thế giới ngày càng tăng nhanh.
Với phương châm tiên phong thay đổi để liên tục tiến lên, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - HCMUT) đã triển khai hàng loạt cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng với vị trí 51-100 trong bảng xếp hạng toàn cầu của QS theo ngành học ba năm qua. (QS - Quacquarelli Symonds là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức giáo dục Vương quốc Anh).
Ngành Kỹ thuật Dầu khí Bách khoa không chỉ cung cấp cho sinh viên đầy đủ hành trang về mặt chuyên môn mà còn xây dựng nền tảng hiểu biết liên ngành đa dạng. Các môn tự chọn (Công nghệ Xanh, Năng lượng Tái tạo…) được thiết kế bài bản với sự tham vấn trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành, giúp người học có góc nhìn sâu sắc, đa chiều hơn về những xu hướng mới.
Đội ngũ giảng viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí cùng các chuyên gia quốc tế trong Hội thảo Khoa học Công nghệ về Tài nguyên Trái đất và Năng lượng Bền vững lần XVI. (Hình: Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí).
Giảng viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí chúc mừng các tân tiến sỹ, thạc sỹ. (Hình: Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí).
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Việt Nam với Trường Đại học Bách khoa. (Hình: Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí).
Sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Dầu khí thực tập chuyên đề Sức khỏe - An toàn - Môi trường tại Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại SQC. (Hình: Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí).
Sinh viên Dầu khí Bách khoa tham quan Công ty PVD Baker Hughes. (Hình: Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí).
Một buổi tìm hiểu về chủ đề Sức khỏe - An toàn - Môi trường của sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí tại doanh nghiệp đầu ngành. (Hình: Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí).
Điểm sáng nổi bật của chương trình là phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố lý thuyết và thực hành. Cụ thể, sinh viên được “xắn tay” làm việc ngay lập tức với trang thiết bị tối tân, bên trong các phòng thí nghiệm liên ngành khang trang.
Không chỉ dừng lại ở đó, Khoa còn thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị chuyên ngành. Những chuyến kiến tập, thực tập tại tập đoàn dầu khí năng lượng nổi tiếng cũng giúp sinh viên trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và kết nối với những doanh nghiệp uy tín.
Đặc biệt, năm 2025, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - HCMUT) dự kiến tuyển sinh chương trình dạy và học bằng tiếng Anh liên ngành Năng lượng Tái tạo. TS. Bùi Trọng Vinh - Trưởng Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí cho biết: “Chương trình tập trung đào tạo về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… trong hành trình tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây là cơ hội tuyệt vời để người học khám phá công nghệ tiên tiến, nắm chắc giải pháp sáng tạo và tự tin phát triển sự nghiệp trong ngành năng lượng toàn cầu”./.
THỰC HIỆN: BÁ NGỌC, XUÂN MAI